Banner header

Sắn dây là loài cây dây leo thuộc họ Đậu, bộ phận dùng tốt nhất là củ sắn dây. Theo các nghiên cứu khoa học, sắn dây có vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt, giải rượu, tiêu độc cơ thể, bồi dưỡng sức khỏe, đại tiện bí kết,...

 I. CÁC KHÂU CHUẨN BỊ TRƯỚC VỤ TRỒNG

 1. Chuẩn bị vật tư:

* Phân hữu cơ: gồm phân chuồng ủ hoai mục, phân giun trùn quế, phân hữu cơ vi sinh, phân lân nung chảy (loại được cấp phép trong danh mục hữu cơ), trấu hun ủ yếm khí tạo Kali hữu cơ, phụ phế phẩm nông nghiệp như cây ngô, đậu, lạc, bã sắn dây, nghệ…

 - Phân chuồng ủ hoai mục là phân gà có xử lý chế phẩm sinh học kết hợp cùng bã sắn dây và các loại phế phẩm sau thu hoạch của các mùa trước (cây ngô, lạc, đậu, thân lá sắn dây…) được gom vào chỗ quy định để ủ hoai mục tạo hỗn hợp mùn, chất hữu cơ và các loại vi sinh vật tốt cho đất đai và cây trồng. Quá trình ủ được che phủ kín để tránh gây mùi. Thời gian ủ kéo dài trong nhiều tháng để phân được hoai mục đúng theo tiêu chuẩn trước khi trồng nhằm diệt trừ vi khuẩn có hại, tạo điều kiện cho vi khuẩn có lợi phát triển.

- Phân giun trùn quế còn biết đến với các tên gọi khác là phân trùn đỏ, phân giun quế. Đây là loại phân được tạo ra từ chất thải của con giun quế. Thức ăn của giun quế đa số là phân heo, phân bò, rác thải hữu cơ… các chất được xử lý qua hệ tiêu hóa của giun quế và tạo thành phân giun quế. Do vậy phân có hàm lượng dinh dưỡng cao, tốt cho cây trồng. Phân trùn quế được xếp vào loại phân hữu cơ vi sinh tự nhiên, giàu dinh dưỡng và phù hợp với mọi loại cây. Loại phân này có màu nâu giống như đất.

- Trấu hun yếm khí (thiếu oxy) còn nguyên cánh để tạo kali tự nhiên thay thế phân bón kali hóa học, giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh, chất lượng củ đạt lượng tinh cao, năng suất tốt đồng thời tạo độ tơi xốp cho đất. Số lượng cần chuẩn bị trước, đủ để bón trong cả năm.

* Vôi bột: Chuẩn bị trước lúc làm đất, bảo đảm chất lượng tốt.

*Cọc tre: Lựa chọn cọc có độ chắc bền, tốt chuẩn bị sẵn sàng trước khi vào vụ trồng.

2. Chuẩn bị giống: Sắn dây có nguồn giống ta thuần bản địa, được sưu tầm và lưu giữ từ xa xưa để lại. Giống sắn dây này lá to tròn, thân ngọn nhiều lông, có củ khá dài lên đến 3 mét, thân vỏ củ xù xì nhăn nhiều, cho lượng tinh bột không cao nhưng chất bột lại thơm ngon, bổ dưỡng, hàm lượng dinh dưỡng cao, chất lượng tốt nhất.

- Chọn gốc khỏe, giàn đẹp, năng suất đạt yêu cầu làm giống.

- Xử lý ươm gốc trước khi ra mầm nhiều lựa chọn các mầm đạt tiêu chuẩn để triết mắt.

- Khi đủ tạo rễ của mầm ta để bầu tạo rễ cho mắt nảy mầm vụ mới.

- Đủ rễ cây mới để phát triển khỏe mạnh ta ngắt thân cây ở gốc mẹ rồi dưỡng che phủ tốt để đủ tiêu chuẩn đưa ra vườn trồng.

3. Chuẩn bị đất trồng (thời điểm ngày 15/1 hàng năm)

- Làm sạch cỏ, vệ sinh vườn, thu hết phế phẩm sau thu hoạch vào chỗ theo quy định.

- Vãi vôi toàn bộ khu đất canh tác khoảng 40% trước khi cày đất, sau cày vãi tiếp khoảng 40% vôi, sau khi trồng xong vãi nốt số vôi còn lại nhằm khử chua, khử khuẩn và nấm bệnh, mầm bệnh ẩn nấp.

- Cày đất để đủ thời gian phơi ải sau đó xáo lại đất nên chọn thời điểm đất không quá ẩm cũng không quá khô để đất có độ tơi xốp.

- Xác định khoảng cách các hố sắn dây phù hợp. Bón lót cho đất bằng phân chuồng ủ hoai mục, phân giun trùn quế, phân vi sinh, phân lân nung chảy, trấu hun, bã sắn dây, mùn cây lá sắn dây, tất cả trộn đảo đều nhau cùng với vôi vào giữa mỗi lòng hố sắn dây xong lấp đất, cắm cọc đợi ngày xuống giống trồng.

Chú ý: lượng phân bón lót cần hợp lý ngay từ đầu để cây lớn lên phù hợp trong các điều kiện thời tiết khô hạn nhất hay lượng mưa nhiều kéo dài tránh trường hợp sau này khó khắc phục việc cây xấu quá hoặc tốt lốp.

II. TRỒNG SẮN DÂY

1. Chọn ngày thời tiết thích hợp bắt đầu tiến hành trồng.

Cọc ghim mâm sắn đã chuẩn bị trước, đào sao cho đặt bầu giống sắn dây cách mặt hố 3cm sau đó lấp đất trở lại bằng mặt hố. Lấp một lớp đất bột dày 15cm lên trên lớp mùn. Đặt cây giống và phủ đất mùn, rơm rạ hoặc lá cây hoai mục lên trên cùng (tránh lấp vào mầm cây).

2. Đắp bèo tây vào mặt hố để giữ ẩm và tưới dưỡng tạo điều kiện để cây phát triển thời điểm đầu tốt nhất.

III. CHĂM SÓC

Chú ý kết hợp vừa làm vườn, vừa làm giàn và đồng thời chăm sóc tỉa cây sắn dây cũng như các cây xen canh.

1. Thời gian đầu: Sau khi trồng sắn dây xong thì trồng xen canh lạc, đậu, vừng, ngô ở các khoảng đất trống giữa các hố sắn dây. Việc trồng xen canh có ý nghĩa rất lớn, ngoài việc làm tăng thêm thu nhập còn giúp giữ ẩm đất, bảo vệ đất, giảm cỏ dại mọc và giảm công làm cỏ.

2. Làm giàn sắn dây

- Chú ý phải đảm bảo tiêu chuẩn, đủ chắc khỏe có khả năng chống chịu các cấp độ bão gió. Lưu ý, nếu để giàn sắn dây bị đổ coi như mùa vụ đó thất bại.

- Liên tục theo dõi quá trình sinh trưởng của sắn dây, ngắt tỉa dây, mầm theo ý để cây phát triển tốt nhất. Khi mầm cây phát triển được 10-20cm thì cần làm thang cho sắn dây leo lên giàn.

 3. Bón phân dưỡng và làm cỏ

 - Thường xuyên làm sạch cỏ, đảm bảo cho đất luôn tơi xốp, thường xuyên tạo độ ẩm cho đất để thân cây phát triển nhanh để đạt năng suất chất lượng củ như mong muốn.

- Bổ sung phân bón thúc cho cây sắn dây vào thời điểm thu hoạch lạc, đậu (khoảng tháng 7) bao gồm trấu hun yếm khí và phân hữu cơ.

- Quan sát theo dõi chặt chẽ sự phát triển của cây và tùy vào thời tiết, lượng mưa năm đó để bổ sung tỉ lệ phân bón, lượng nước phù hợp đảm bảo cây khỏe tự nhiên, có sức đề kháng với các loại bệnh, tán lá mọc vừa phải, không tốt quá cũng không xấu quá, tránh để cây bị tốt lốp, tốt lá quá. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón cho cây của chủ nông trại - điều quyết định đến sự thành bại của vụ trồng và chất lượng.

4. Phòng bệnh cho sắn dây

- Với sâu bệnh thì loại cây này không đáng ngại nhưng loại bệnh thường gặp nhất ở sắn dây là bệnh nấm rỉ sắt, sun lá, sun dây dẫn đến không có củ để thu hoạch hoặc ra củ không có tinh bột, gây hôi sắn làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, chất lượng sản phẩm. Lưu ý bổ sung lượng phân bón hợp lý nhất để cây khỏe tự nhiên, chống được loại bệnh này.

- Khi sắn dây được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn Hữu cơ Organic đã giúp cây sinh trưởng và phát triển tự nhiên khỏe mạnh, tăng khả năng tự chống chịu lại bệnh tật, hạn chế được tối đa các bệnh với cây, mang lại năng suất ổn định và chất lượng sản phẩm đạt tối ưu.

 5. Thu hoạch cây xen canh

Cây trồng xen canh (đậu, lạc, vừng, ngô) sau khi được thu hoạch củ quả, tiến hành phơi cây một thời gian ngắn sau đó đắp vào gốc sắn dây và lấp đất kín tạo lượng phân bón hoai mục đáng kể cho cây.

IV. THU HOẠCH SẮN DÂY

1. Thời điểm thu hoạch: Vào khoảng cuối tháng 11 âm lịch tùy thời tiết và tùy lượng lá trên giàn có thể thu sớm hoặc muộn hơn để củ sắn dây đạt được dinh dưỡng, lượng tinh cao nhất và tốt nhất khi thu hoạch sản phẩm.

2. Cách thu hoạch: Áp dụng phương thức đào thủ công kết hợp máy xúc. Lưu ý khi dỡ củ cần cậy hết lớp đất dính, cắt bỏ phần không có dinh dưỡng sau đó vận chuyển về xưởng chế biến tinh bột sắn dây ngay trong ngày để đảm bảo chất lượng củ được tươi ngon; phần phế phẩm còn lại thì tập kết lại sử dụng ủ làm phân bón hữu cơ để phục vụ cho mùa vụ trồng sau.

 V. QUY TRÌNH SẢN XUẤT CHẾ BIẾN TINH BỘT SẮN DÂY:

- Bước 1: Củ sắn dây sau khi được thu hoạch về tiến hành sơ chế rửa sạch bằng hệ thống máy xịt rửa công suất lớn, làm sạch lớp đất bám vỏ ngoài của củ sắn dây sao cho vỏ củ trắng sạch là được.

- Bước 2: Củ sắn dây sau khi rửa sạch được đưa vào máy nghiền xay thật nhuyễn nhỏ.

- Bước 3: Sắn dây tiếp tục được đưa vào hệ thống máy vắt lọc li tâm để tách bã thu được nước tinh bột sắn dây, bơm lên bể chứa, phần bã sắn dây sau khi lọc xong sẽ đóng bao gom lại chuyển quay về vùng nguyên liệu ủ làm phân bón cho mùa vụ trồng tiếp theo, kết hợp chuyển củ sắn dây mới về. Đặc biệt nguồn nước sử dụng trong quá trình lọc là nước sạch đã qua hệ thống máy lọc công nghiệp đạt tiêu chuẩn QCVN 01.

- Bước 4: Từ nước cốt tinh bột sắn dây, sử dụng máy khuấy đánh tan đều tinh bột sắn dây với nước sạch và đợi lắng. Trong chế biến tinh bột sắn dây thì khâu lọc tinh bột rất kỳ công và cần có kỹ thuật. Quá trình lọc gạn tinh bột thay nước, tách phổi đen và nhựa sắn dây và các tạp chất được lặp đi lặp lại cho đến khi tách hoàn toàn tạp chất thu được lớp tinh bột trắng thuần khiết, ngon đạt đúng tiêu chuẩn. Về phần nước thải trong quá trình chế biến sản xuất tinh bột cũng được chú trọng xử lý triệt để, đảm bảo không gây ảnh hưởng trước khi đưa ra môi trường bên ngoài.

-Bước 5: Tiến hành ra bột ướt, cắt thành từng thanh nhỏ sao cho miếng tinh bột sắn dây đều đẹp, sau đó đưa vào hệ thống sấy. Áp dụng quy trình hệ thống sấy thông minh, công suất lớn, không bị ảnh hưởng bởi thời tiết, môi trường bên ngoài, đảm bảo tinh bột sắn dây ra lò đúng lộ trình, đạt chất lượng thơm ngon, dinh dưỡng tốt nhất.

Bởi vì mùa vụ sản xuất tinh bột sắn dây là vào mùa đông- đầu xuân, nắng ít, mưa phùn nhiều. Do đó khi sản xuất tinh bột sắn dây với số lượng lớn cần áp dụng hệ thống máy móc, để yếu tố thời tiết, môi trường bên ngoài không ảnh hưởng tới tiến độ sản xuất cũng như nâng cao chất lượng sản phẩm.

- Bước 6: Tinh bột sắn dây khô sẽ được đóng gói trong lọ hoặc túi zip bạc có ép nhiệt miệng túi/seal để bảo quản được lâu, có đầy đủ tem nhãn bao bì, truy xuất nguồn gốc trước khi xuất kho. Bảo quản sản phẩm ở nơi khô ráo.

Chứng nhận về quy trình trồng theo tiêu chuẩn Hữu cơ Organic, chứng nhận sản xuất chế biến an toàn ISO 22000:2018

Chứng nhận sản phẩm OCOP 3 Sao, Chứng nhận sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2023

Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn hình dung dễ hơn về quy trình sản xuất Tinh bột sắn dây Thanh Tùng NB. Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu trồng nguyên liệu đến khâu chế biến ra thành phẩm Tinh bột sắn dây theo chuẩn Hữu cơ Organic, chúng tôi rất mong muốn mang đến sản phẩm sạch, an toàn cho mọi gia đình. 

Gọi ngay 0985 230 324

Giỏ hàng