Nghệ vốn là loại cây dược liệu quý lấy củ. Thành phẩm tốt nhất từ củ nghệ là tinh bột nghệ tách tinh dầu có hàm lượng cao curcumin nên rất tốt cho sức khỏe và làm đẹp.
I. CÁC KHÂU CHUẨN BỊ TRƯỚC VỤ TRỒNG
1. Chuẩn bị vật tư:
1.1. Phân hữu cơ: gồm phân chuồng ủ hoai mục, phân giun trùn quế, phân lân nung chảy (loại được cấp phép trong danh mục hữu cơ),phân hữu cơ vi sinh, trấu hun ủ yếm khí tạo Kali hữu cơ, phụ phế phẩm nông nghiệp như cây ngô, đậu, lạc, bã nghệ, thân cây nghệ…Giai đoạn ủ hoai mục làm tương tự như quy trình chuẩn bị trồng Sắn dây.
1.2. Vôi: Mua dự trữ trước lúc làm đất được che phủ cẩn thận để bảo đảm chất lượng trước khi bón.
2. Chuẩn bị giống:
Ngay khi thu hoạch nghệ vụ trước, sẽ tiến hành chọn lọc những củ nghệ già đẹp, không bị sâu bệnh hay hư thối, đạt tiêu chuẩn, đủ số lượng cho diện tích mình định trồng để nơi râm mát đợi ngày trồng.
3. Chuẩn bị đất
- Làm sạch cỏ, vệ sinh vườn, thu hết phế phẩm sau thu hoạch vào chỗ theo quy định.
- Vãi vôi toàn bộ khu đất canh tác khoảng 40% trước khi cày đất, sau cày vãi tiếp khoảng 40% vôi, sau khi trồng xong vãi nốt số vôi còn lại nhằm khử chua, khử khuẩn và nấm bệnh, mầm bệnh ẩn nấp.
- Cày đất để đủ thời gian phơi ải sau đó xáo lại đất nên chọn thời điểm đất không quá ẩm cũng không quá khô để đất có độ tơi xốp.
- Trước khi trồng lên luống cao khoảng 20 – 25 cm và rộng 1,4m. Bón lót cho đất bằng phân bón hữu cơ vào từng rãnh luống.
Chú ý: lượng phân bón lót cần hợp lý ngay từ đầu để cây lớn lên phù hợp trong các điều kiện thời tiết khô hạn nhất hay lượng mưa nhiều kéo dài tránh trường hợp sau này khó khắc phục việc cây xấu quá hoặc tốt lốp.
II. TRỒNG NGHỆ
- Thời điểm trồng nghệ là vào mùa xuân (khoảng ngày 30/1 hàng năm tùy thời tiết), khi trời có mưa phùn, đất đã đủ ẩm.
- Chuẩn bị đất xong tiến hành rạch mỗi hàng khoảng cách 80cm, cây cách cây 40 cm. Đặt củ nghệ đều xuống mỗi hàng rồi phũ lên trên một lớp đất trộn với phân bón hữu cơ đã chuẩn bị trước tưới nước rồi phủ thêm một lớp rơm rạ để giữ ẩm. Cùng thời điểm đó ta trồng ngô vào giữa 2 cây nghệ.
- Việc trồng xen canh vừa tăng thêm thu nhập còn giúp giữ ẩm đất, giảm cỏ dại mọc và giảm công làm cỏ; bảo vệ nghệ non phát triển thời điểm đầu mới lớn dưới ánh nắng gay gắt của mùa hè. Bên cạnh đó cây ngô sau khi thu hoạch bắp cũng được phủ vào gốc cây nghệ để tạo độ ẩm cho đất và bổ sung phân hữu cơ cho nghệ. Cây nghệ ưa ẩm vì vậy cần tưới đủ nước cho cây.
III. CHĂM SÓC
1. Thời gian đầu vụ: Sau một thời gian trồng, mầm nghệ bắt đầu xuất hiện và trồi lên mặt đất, nếu hốc nghệ nào không mọc thì cần trồng dặm thêm để nghệ mọc đều và đến khi ra được 2 – 3 lá thì vun xung quanh gốc cây con, thường xuyên kiểm tra và nhổ bỏ cỏ dại.
2. Thời gian giữa vụ: Vào khoảng tháng 5- tháng 6, cây nghệ sẽ ra khoảng 5- 6 lá. Thời điểm này sẽ tiến hành bón thúc phân hữu cơ cho cây. Tùy vào mức độ xấu tốt của cây nghệ mà bón lượng phân hợp lý để khi nghệ sinh trưởng có thân lá khỏe tự nhiên, hạn chế tối đa các bệnh nguy hại làm ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng củ nghệ.
*Thu hoạch cây xen canh:
Khi ngô được bẻ bắp mà cây nghệ đã ra lá đủ độ khỏe, chịu đựng được với nắng thì có thể phát cây ngô đi. Còn nếu chưa thì vẫn để cây ngô che bóng cho nghệ đến khi đạt tiêu chuẩn mới tiến hành chặt bỏ cây và phủ lên luống để làm mát đất và tạo ra lượng phân bón hoai mục đáng kể từ cây ngô bổ sung cho nghệ.
* Phòng bệnh cho nghệ
Nghệ là cây dược liệu và củ nghệ có một mùi hương không mấy dễ chịu nên với loài sâu bệnh gây hại thì không đáng lo ngại. Nhưng có một số bệnh thường xuất hiện ở cây nghệ là bệnh đạo ôn, thối lá, tốt lốp,… dẫn đến không có củ thu hoạch hoặc giảm năng suất, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng sản phẩm.
Khi cây nghệ được chăm sóc theo tiêu chuẩn Hữu cơ Organic đã giúp cây phát triển sinh trưởng khỏe mạnh tự nhiên, tăng khả năng tự chống chịu được với các mầm bệnh gây hại, hạn chế tối đa các bệnh với cây, mang lại năng suất ổn định và chất lượng sản phẩm đạt tối ưu.
3. Thời gian đến cuối vụ:
Quan sát theo dõi chặt chẽ sự phát triển của cây và tùy vào thời tiết, lượng mưa năm đó để bổ sung tỉ lệ phân bón, lượng nước phù hợp đảm bảo cây khỏe tự nhiên, có sức đề kháng với các loại bệnh, tán lá mọc vừa phải, không tốt quá cũng không xấu quá, tránh để cây bị tốt lốp, tốt lá quá. Điều này phụ thuộc nhiều vào kinh nghiệm và kỹ thuật chăm bón cho cây của chủ nông trại - điều quyết định đến sự thành bại của vụ trồng.
IV. THU HOẠCH NGHỆ
1. Thời điểm thu hoạch
Vào khoảng giữa tháng 11 âm lịch, nếu thấy cây nghệ không tiếp tục mọc lá non và lá bắt đầu ngả vàng nhạt và lụi dần, tiến hành đào 1 gốc nghệ kiểm tra. Cắt nhánh củ nghệ ra nếu thấy có màu cam sẫm thì đây là lúc củ nghệ đã đạt nhiều dinh dưỡng, lượng tinh cao nhất, tốt nhất để thu hoạch.
2. Cách thu hoạch
Thu hoạch củ nghệ có thể bằng thủ công hoặc dỡ máy, chuyển về xưởng chế biến tinh bột nghệ, phần phế phẩm còn lại thì tập kết lại sử dụng ủ làm phân bón hữu cơ để phục vụ cho mùa vụ sau.
V. CHẾ BIẾN SẢN XUẤT TINH BỘT NGHỆ
- Bước 1: Nghệ sau khi thu hoạch về tiến hành sơ chế tách nhánh, cắt bỏ rễ phụ, rửa sạch củ nghệ, loại bỏ đất bám trên vỏ, rửa nhiều lần với nước sạch để ráo
- Bước 2: Củ nghệ đưa vào máy xay nghiền nhuyễn, nhỏ 2 lần
- Bước 3: Nghệ tiếp tục được nghiền ly tâm bằng máy vắt lọc liên hoàn để tách bỏ bã thu được nước cốt tinh bột nghệ. Phần bã sau khi lọc xong sẽ được gom lại đưa quay về vùng nguyên liệu ủ làm phân bón hữu cơ cho vụ trồng tiếp theo. Nguồn nước sử dụng trong quá trình lọc là nước sạch đã qua hệ thống máy lọc công nghiệp đạt tiêu chuẩn QC1 Việt Nam.
- Bước 4: Từ nước cốt tinh bột nghệ, sử dụng máy khuấy đánh tan tinh bột nghệ với nước sạch và đợi lắng. Sau đó chắt bỏ nước, dầu nhựa và các chất tạp chất khác. Quá trình thay nước diễn ra mỗi ngày 4 lần, và lặp lại cho đến khi lọc được hết dầu nhựa, tạp chất.
- Bước 5: Tinh bột nghệ thu được ở dạng dẻo sẽ dàn mỏng ra vải đặt trên dàn khay để ráo nước. Tiến hành đưa vào hệ thống làm lạnh công suất lớn, duy trì ở mức 16- 18 độ C giúp giữ được màu sắc truyền thống, hương vị đặc trưng của nghệ; đặc biệt là giữ nguyên được hàm lượng Cucurmin ở mức cao nhất. Để đảm bảo độ ẩm thấp nhất, tinh bột nghệ sau khi sấy lạnh sẽ chuyển sang chế độ sấy nhiệt trong điều kiện thiếu sáng giúp tinh bột nghệ khô hoàn toàn, hạn chế tối đa được nấm mốc.
- Bước 6: Tinh bột nghệ sau khi sấy khô sẽ được nghiền thành bột mịn bằng máy nghiền đồ khô chuyên dụng.
- Bước 7: Tiến hành đóng gói sản phẩm, dán đầy đủ thông tin trên bao bì trước khi xuất kho.
- Bước 8: Bảo quản ở nơi khô ráo, tránh ánh sáng trực tiếp chiếu vào.
Một số hình ảnh đơn vị tham gia trưng bày sản phẩm Tinh bột nghệ hữu cơ, Tinh bột sắn dâyThanh Tùng NB tại các hội nghị, hội chợ, triển lãm trong tỉnh và ngoài tỉnh tổ chức
Hy vọng qua bài viết này sẽ giúp bạn hình dung dễ hơn về quy trình trồng và chế biến Tinh bột nghệ Hữu cơ Thanh Tùng NB. Với quy trình sản xuất khép kín từ khâu trồng nguyên liệu đến khâu chế biến ra thành phẩm Tinh bột nghệ 100% Hữu cơ Organic, chúng tôi rất mong muốn mang đến sản phẩm sạch, an toàn cho mọi gia đình.